QUẢNG NGÃI - NUÔI KẾT HỢP TÔM - CUA - CÁ MANG LẠI HIỆU QUẢ TRONG TÌNH HÌNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

QUẢNG NGÃI - NUÔI KẾT HỢP TÔM - CUA - CÁ MANG LẠI HIỆU QUẢ TRONG TÌNH HÌNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Mô hình kết hợp tôm-cua-cá tại các ao đất vùng triều giúp thích nghi với điều kiện bất lợi của môi trường và mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho bà con nuôi trồng thủy sản.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã triển khai thực hiện phương án “Xây dựng vùng nuôi thủy sản kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Bình Dương.

Tham gia gồm có 5 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 2 Ha, thời gian thực hiện trong 3 tháng. Tổng ngân sách huyện hỗ trợ là 180 triệu đồng cho con giống, thức ăn và kinh phí triển khai. Số lượng giống thả gồm cua 10.000 con, tôm thẻ chân trắng 800.000 con, cá đối 6.000 con.

Đây là mô hình nuôi kết hợp tôm-cua-cá nhằm khắc phục những bất lợi tại khu vực nuôi độc canh ao đất. 5 hộ nuôi tham gia chương trình là những hộ có nhu cầu thử nghiệm nuôi ghép, có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, vị trí ao thuận tiện trong việc cấp thoát nước.

Xã Bình Dương cũng là một địa phương có lịch sử nuôi tôm nhiều năm, từ chủ yếu là nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh mật độ cao. Thời gian nuôi lâu dài sẽ gây tác động xấu đến môi trường, lượng chất thải lớn trong quá trình nuôi, bên cạnh đó là dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất… làm mất cân bằng hệ sinh thái ao nuôi và xung quanh khu vực nuôi. Môi trường bị ô nhiễm dẫn đến các mầm bệnh phát triển làm bùng phát dịch, nhất là những ao có cơ sở vật chất, trang bị không đảm bảo điều kiện nuôi.

Giải pháp nuôi kết hợp tôm - cua - cá nhằm thích nghi với sự biến đổi bất lợi của môi trường. Cơ sở cho việc kết hợp này là do tập tính ăn mùn bã hữu cơ của cá đối, nhờ đo giải quyết lượng bùn đáy ao, chuyển hóa sang các dạng vật chất ít hại với thủy sản hơn. Thêm nữa, cá đối còn dùng tảo trong ao nuôi làm thức ăn, như vậy sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của tảo nhất là thời điểm nắng nóng khiến hoạt động quang hợp của tảo được tăng cường.

Các loài được chọn nuôi kết hợp đều có giá trị kinh tế, đồng thời giúp cân bằng lại môi trường nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh trên thủy sản.

quang-ngai-nuoi-ket-hop-tom-cua-ca-mang-lai-hieu-qua-trong-tinh-hinh-bien-doi-khi-hau

Nuôi kết hợp tôm-cua-cá mang lại hiệu quả trong tình hình biến đổi khí hậu

Mật độ nuôi trong mô hình được áp dụng: Tôm thẻ chân trắng 40 con/m2, cua biển 01 con/m2, cá đối 01 con/3m2. Thời gian sinh trưởng của cá đối và cua dài hơn so với tôm thẻ nên cá và cua được thả trước 1 tháng để đảm bảo thời gian thu hoạch ao. Việc cá và cua xuống ao trước cũng giúp xử lý đáy ao tốt, gây tảo có lợi, ổn định các chỉ số ao nuôi,... tạo môi trường thuận lợi để thả tôm.

Tôm được ương trong ao ương từ 20-1 tháng trước khi chuyển sang ao nuôi chung với cua và cá. Với những hộ có 1 ao nuôi thì khuynh lưới khoảng ¼ diện tích ao để ương tôm.

Cám chuyên dùng cho tôm và cá tạp được sử dụng làm thức ăn, dinh dưỡng trong thức ăn được điều chỉnh tùy theo giai đoạn phát triển. Các loại mồi tanh như cá tạp, vẹm sông được bổ sung để nuôi cua nhanh lớn, chắc thịt.

Sau 03 tháng triển khai mô hình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Sơn tổ chức tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện.Tiến hành thu hoạch khi kích cỡ trung bình của tôm thẻ chân trắng đạt 60 - 80 con/kg, cua 200 – 250g/con, cá khoảng 200g/con.

Theo báo cáo kết quả mô hình, tổng thu trung bình đạt trên 687 triệu đồng/ha, trừ chi phí (450 triệu đồng/Ha), lãi trên 237 triệu đồng/Ha. Từ kết quả đánh giá, mô hình này phù hợp với khu vực ao đất có môi trường nước đang mất cân bằng sinh thái, thiếu phương tiện chăn nuôi, giúp hạn chế rủi ro nhất.

Tại buổi tổng kết kết quả thực hiện mô hình, các các bộ chuyên môn tham gia đã đúc kết, chia sẻ kinh nghiệm với những hộ nuôi xung quanh có nhu cầu được hỗ trợ ứng dụng, phát triển mô hình nuôi kết hợp này.

 

Theo Hải Yến (Tạp chí Kinh tế nông thôn)

 

Viết bình luận của bạn